Theo tương truyền vào những ngày lập đông, hoàng đế thường cho người đi tìm khắp nơi trong thiên hạ những gốc cây đa bị sét đánh để mang về. Vì người ta tin rằng những cái cây bị sét đánh là dấu chỉ từ Trời. Dân thường luôn tránh né các vật mang đậm màu tai ương nhưng thiên tử thì lại mong muốn tìm được những bảo vật như thế.
Gốc cây đa đen nhẻm ấy sau khi được mang về sẽ được xẻ ra làm đôi, một nửa để đốt ra tro và một phần còn lại sẽ được dùng làm vật tế.
Một chiếc bàn đá được chục người khênh đặt giữa sân trống, không mái che không tán cây, vải đỏ phủ lấy. Giữa thạch bàn là mảnh gỗ được đặt trang trọng trên một cái giá bằng ngọc xanh. Chung quanh mảnh gỗ được đặt 9 chén rượu trắng pha tro gỗ đã được đốt trước đó.
Và quan trọng nhất trong các lễ vật thỉnh Tiên, là một chén trà được giữ ấm trên lư than hồng nhỏ. Loại trà được chọn để làm lễ “Thỉnh Tiên” là loại “Đại Hồng Bào” quý hiếm. Đây là loại trà có nguồn gốc từ phương Bắc xa xôi và phải sử dụng nhiều phương thức rất kỳ công để thu hái, bảo quản. Vốn dĩ loại trà này được chọn làm lễ vật là vì mùi hương thơm như hoa lan, vị ngọt dịu thanh mát và Đại Hồng Bào còn được tin là có thể chữa bách bệnh, là bảo chứng của sự bất lão.
Và người ta chỉ dùng nước thứ ba, vì nước đầu tiên vẫn chưa tiết ra được hết hương vị ngon nhất của trà Đại Hồng Bào.
Những nén hương được đốt lên rồi yên vị trong lư đồng. Người ta sẽ đọc liên tục các bài thơ ca ngợi Trời Đất và bắt đầu bái lạy trước mảnh gỗ đa bị sét đánh. Những hỷ nữ vỗ tay vào trống bồng tạo nên âm giai hòa quyện cùng nét thơ vang dội vào không trung.
Người ta nói rằng, nếu chén trà Đại Hồng Bào cạn nước trước khi hương tàn là một điềm tốt, đó là thần linh đã nhận lễ vật mà họ tế, báo hiệu một mùa xuân an lành đang chờ đợi phía trước và một năm bình an.
Nhưng cũng có những trường hợp các nén hương tàn trước khi chén trà cạn nước. Khi đó người ta sẽ chọn một ngày lành khác để cử hành “Lễ Tiễn Tiên” về trời, vì họ tin rằng thần linh ở lại vì cần họ hy sinh nhiều lễ vật hơn nữa và vì thế mà thần linh chưa muốn thăng thiên.
Những sự kì lạ cũng đã xảy ra, những điềm báo không may cũng đã xuất hiện khiến cho “Lễ Thỉnh Tiên” ngày một mờ nhạt trong các câu chuyện lan truyền trong dân gian, chỉ vì họ lo sợ một điều gì đó sẽ xảy đến nếu lễ điển này thất bại.